Ám luyến

Trạng thái
Chủ đề đang đóng.

Eternal Robot

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
30/10/2016
Bài viết
419
1.

Não bộ chỉ còn sót lại những mơ hồ, hình ảnh em, ngôn từ em, dần dần bị xóa mất.

Hóa ra nỗi nhớ một người chỉ tồn tại được bấy lâu. Là khi đông hạ xuân thu qua được vài năm, ký ức chậm chạp bị thay thế.

Kể cả điếu thuốc năm đó cũng hóa mơ hồ, và người con trai trên cầu quay bước đi là thật... Thì bấy nhiêu ân tình, quặn thắt lại trong giá buốt tâm can tôi.

Giá mà tôi nhớ em hơn. Đến mức, móc trái tim này ra thấy được máu nóng...
 
2.

Tôi không quên được giấc mơ hôm qua, mọi thứ thật đến mức tôi nghĩ rằng, chỉ cần bản thân vươn tay ra, chắc chắn sẽ chạm được những tấm vải đã cháy thành tro ấy. Chúng sẽ mục ruỗng, và từ từ rơi xuống. Xúc giác của tôi nhận thức được tất cả những mềm mại thô ráp. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy rõ cả luồng gió thổi qua. Ngoài những tấm vải, tất cả đều có màu đen.

Có lẽ họ đã tác động đến một trong số những điều tôi nhìn thấy.

Là bom. Mặc dù tôi chỉ thấy một đám lửa, nhưng sức công phá của lửa không đến mức bất ngờ và dữ dội như thế. Những thực thể đó vẫn còn sống, không có gì nhốt chúng lại. Chỉ cần một tác động nhỏ, chúng sẽ vượt qua hàng rào mục nát, nhảy bổ về phía tôi. Tôi sẽ thấy được những đôi mắt đen như vantablack đang lê chân theo sau mình. Cả chuyển động của thứ đó, rất chậm rãi, nhưng tôi đã sợ đến mức phải chạy. Nó sẽ đuổi theo ngay phía sau và xé xác tôi, nếu tôi không mở mắt ra.

Năng lực của tôi đã biến mất.

Tôi đã chết một lần trong đó, đến mức em ấy thấy được cái chết của tôi. Nếu như thời điểm ấy không được cứu, liệu tôi sẽ biến mất chứ?
 
3.

Thỉnh thoảng, tôi muốn nhìn thấy em trong mơ. Dẫu em trở thành cơn ác mộng khốn cùng mà tôi phải mất ngàn giây thoát được, tôi vẫn muốn tâm trí này lưu lại khoảnh khắc ấy.

Khi em nhìn tôi, bằng gương mặt trống rỗng. Khi màu xanh dưới mũ trùm đầu lan vào tâm trí tôi. Khi em nhấc chiếc mặt nạ của mình ra. Em có một nụ cười buồn. Nhưng đôi mắt em không tồn tại.

Tôi ước mình chết chìm dưới dòng sông nơi chàng trai của phố phường này tự tử, để hoá vào loang nước ánh lên gương mặt em. Tôi ước mình được ở gần em hơn. Màu xanh huyền hoặc mà tôi si mê đến vạn kiếp người.

Tôi muốn nhìn lại em lần nữa, thấy lại em, khảm em vào ký ức, vào tiềm thức, vào thẳm sâu trong bóng đêm tối tăm lồng ngực. Và tôi sẽ không quên em được nữa. Dẫu tháng năm biến tôi thành cát bụi như hòn đá xanh bay khỏi cánh rừng, tôi vẫn lưu giữ được em. Sẽ kể về em. Em sẽ thành bất diệt. Em sẽ thành nàng thơ. Em sẽ thành cả nền trời bao la này, mãi mãi miên man như vậy.
 
4.

Tôi viết cho em vài dòng, rồi rời đi. Căn nhà nhỏ trong rừng không có ai, trở thành nơi ẩn mình cho lũ sóc. Những hạt thông chất đống trong góc, và mạng nhện giăng đầy các bức tường. Tôi nhớ về bé con, về người bạn đã trở thành gián điệp phục vụ đất nước này. Trong phút chốc, cơn đau dường như đã xuyên ngang con tim đôi, bỏng rát và nóng rẫy. Như một ngọn lửa đỏ rực thiêu cháy tất cả khổ sở còn sót lại. Và tôi nhận ra mình muốn chết trong những góc tối của những tiêu điều lãng mạn, khi tất cả chìm xuống, trầm mục, ruỗng vụn, đột ngột được bao phủ bởi màn đêm phủ đầy đôi mắt màu đen.

Khi đi giữa rừng, tôi nhận ra mình va vào biết bao bóng ảnh cô đơn. Nỗi cô đơn ám ảnh và đau đớn, lại nhói buốt trong xuỷ xương và làm ruột gan cồn cào. Tôi muốn khóc, nhưng không sao khóc được. Nước mắt cứ nằm đâu đó giữa lưng chừng, và đôi tay tôi chôn trong những lớp lá đã rữa thành màu đen, tìm kiếm những gì từng làm tôi buồn tẻ đến khóc ra. Nhưng hồi ức ấy như đã mắc kẹt trong quá vãng, và khi tôi tự gắn lên mình một linh hồn trống rỗng, thì những gì che phủ thể xác tôi cũng không giấu được trái tim cóng lạnh.

Sự vĩnh hằng mà dòng người ấy mong muốn, cái tên mà tôi đặt cho một vệt sáng lướt qua em, cơn nghiện bất thường đột ngột đổ lên ráng chiều và làm đỏ rực mảnh hoàng hôn cuối chân trời nơi tôi, có một ngày, tôi đã chẳng cảm thấy gì được nữa.

Nàng thơ yêu dấu, hãy khoác lên mình đôi cánh trắng và bay xuống từ bầu trời kia, đón lấy ta đưa đến thư viện cũ. Ta sẽ làm một người viền tay trên trang sách, vĩnh viễn, trong những năm còn sót của đời mình.
 
5.

Bìa cuốn truyện ấy là fanart của tôi.
 
6.

Thỉnh thoảng, em ước cơn đau của mình chỉ là nỗi cô đơn buồn tẻ, để còn tự xưng ngạo nghễ với đời. Rằng em không chết vì buồn. Hai thập kỷ ngả nghiêng gót chân vừa đủ cho em giữ thăng bằng trên đoạn giữa cầu. Em có thể nhìn chơi vơi xuống lòng sông, hoặc phóng mắt như cánh chim xé toạc trời chiều, cheo leo trên không, thể nào cũng gió.

Nhưng, cơn đau của em kéo dài hơn một đợt ù tai. Sau mấy thoáng chênh vênh, em thấy đời tự dưng biến động. Em ngủ không yên vì sấm rền ngoài cửa, gió vần vũ tán cây cỗi già. Cơn đau trong em mãi chẳng gọi thành tên được, cứ thế nằm yên. Lưng dán vào lớp chăn vương gió, tóc xoã loạn ra, em ngước nhìn trần nhà và bầu trời phía sau sắp đổ lên bức tranh trước mắt màu đen tĩnh lặng. Để rồi em.

Ước cơn đau của mình chỉ là nỗi cô đơn buồn tẻ, cho dễ choàng ôm, để còn tự xưng ngạo nghễ với đời. Rằng em không chết vì buồn.
 
7.

Vài cơn đau cũ. Dại tê. Tim vỡ vụn ra. Khóe mắt cay xè.

Họ nhắc đến em, và tôi như rơi thẳng vào đại dương mênh mông. Giữa mặt nước sâu thẳm này, dòng biển ấm xộc vào phổi tôi, mang theo kỷ niệm. Nước mắt túa ra, vội hòa lẫn vào màn đêm. Nền trời sẽ đổ sập xuống đây, còn tôi ngạt thở giữa không gian này. Lần nữa.

Bấy nhiêu thôi, nhưng đã trườn qua nửa thập kỷ.

Có vài thứ đã bị xóa đi. Nhưng thật may, em đã giữ lại chúng giúp tôi.
 
8.

Thương mến ơi...

Tôi sắp biến tan trong cơn đau này rồi.
 
9.

Cậu ấy đi. Em nhắn cho tôi và bảo nhớ. Tôi mơ hồ. Em đang nhắc đến ai? Dẫu cho vài năm trước, chính tôi là người đã gán cái tên này lên.
 
10.

Cảm giác như em có thể kiệt quệ dần đi trong cơn đau vậy.
 
11.

Khi nào đó, trời đẹp,

tìm được trong số chúng ta,

một thứ, hợp với em.
 
12.

Quá đỗi dịu dàng.

Hoặc chỉ nhỏ nhặt trong em thôi, một phần, cũng khiến tim tôi rung động.

Nếu đã kết nối với quả chuông nhà thờ, nó sẽ ngân vang, mỗi buổi chiều. Bình boong. Đưa tiễn tôi.
 
13.

Thỉnh thoảng tôi quên mất rằng tiểu bang mới là nơi không ai biết đến tôi. Có thể họ biết, nhưng thời gian đã trôi qua quá lâu, tôi thậm chí quên mất những gì đã cũ.

Vài người rời đi. Năm đó còn trẻ, dừng chân tại nơi này là tốt. Sau này bẵng mất vài năm, muốn nhớ lại hay không cũng được. Thật ra, tôi đã có với nơi đây cả một khoảng trời.

Chuyện là thế này, hôm qua, tôi kể lại những gì đã trôi trong đời mình, bỗng chợt nhận ra mình nhớ rất rõ cả những điều đã cũ. Tôi nói tới những cơn đau và thấy lồng ngực quặn thắt. Dù chẳng thể nào thành thật được nữa, tôi đã hét lên với anh rằng tôi đau quá, tôi đau đến mức khóc ra mất rồi.

Thỉnh thoảng tôi tự hỏi mình kể những câu chuyện đó với người đến sau làm gì. Nhưng tôi biết rằng, với tư cách là người ở đó từ những ngày đầu tiên, chứng kiến từng người đến rồi đi, tôi là kẻ nhớ rõ hơn ai hết sự tồn tại của các mốc thời gian. Kể cả khi tôi có chối bỏ, chỉ cần nhẹ nhàng nhắc đến thôi, cơn đau trong tôi cũng mãnh liệt trở về.

Tôi tự hỏi những người tôi quen ở tiểu bang, cũng cảm thấy thế này chăng?

Ví dụ nhé, tôi xóa đi mọi phương thức mà những người ở đây có thể dùng liên lạc. Nếu tôi biến mất khỏi nơi này, mọi người sẽ nhớ đến tôi theo cách đau đớn ấy chứ?

Thú vị thay tôi mới là người đóng vai chờ đợi. Vừa hay cũng có lúc diễn cảnh rời đi. Những trải nghiệm đó chẳng cho phép tôi thấy oán trách hay buồn khổ, chỉ là nhung nhớ rồi chấp nhận. Có khi nỗi nhớ quá lớn đủ làm tôi đau, nhưng chỉ thế, tôi chẳng muốn thay đổi điều gì.
 
14.

Chủ nhà đã về.

Tôi mua một cái bàn gỗ, một bộ rèm, một ít đèn lấp lánh. Vừa đủ để điểm trang hồi ức của cả hai.
 
15.

Chẳng bao giờ em khao khát tự do đến thế. Trước một bờ vực rêu phong nhớp nháp, em thấy đôi tay và khối óc dường như khô mòn.

Phải mất vài mùa để sắc mai nở rộ giữa trời xuân, để tim em thôi đập loạn, và đủ sức lê thân khỏi chiếc lồng tăm tối ấy.

Chẳng lẽ lại khó khăn đến vậy?

Sinh mệnh nào cũng khắc khoải thương đau, ngập ngụa giữa khổ sở tận cùng mà giãy giụa. Một câu hỏi của gió mưa cũng đủ làm em chênh vênh, rằng vì đâu, bắc ngang sông chỉ là cầu vồng không đáy.

Thương tâm ấy, chỉ đơn điệu một nốt hoải hoang.

Đủ sức kéo lòng chìm dưới miên man. Tịch mịch. Lạnh lẽo thênh thang. Không trung như khối đá đè ngang, chẳng thể nhấc lên, chẳng thấy dạng hình.
 
16.

Vài điều thật cũ đã nhạt dần, khi những dòng trên vai áo em phai màu trong chậu giặt. Anh nhận ra mình không thể giữ mãi những điều bủn rủn. Đồng thời, anh cũng chẳng thể nào quên đi.

Chỉ thoáng chốc thôi, anh thấy mình vẫn ở dưới tán cây, trên một nhánh chìa ra, vắt vẻo như chú mục đồng ngồi trên lưng trâu, thảnh thơi thổi sáo. Chiều vàng đổ xuống và gió mơn man hai vai. Thảng thốt, tất thảy như trôi về một miền rất xa. Tay không với nổi nên anh nghĩ, những viễn du ấy chẳng hiện hữu ở đâu trong đoạn đời này.

Anh chỉ muốn nhìn thấy em lần nữa giữa ngột ngạt và buồn tẻ đan xen, thấy em trong những nhộn nhịp phù hoa đổ tràn lên cao nguyên nắng gió. Một chút thôi, anh muốn mình nằm giữa đất đủ lâu để gói gọn những câu từ đó, mà mang đi, trên rong ruổi đời mình.

Cảm xúc quá dễ dàng để gọi tên, nên bây giờ những rung động về em xa lạ, phải chăng...
 
17.

Ta không để mất em thì, em hỡi.

Xin vỗ về nhau giữa những cơn mê khiến lòng run rẩy.

Được phép đan tay.
 
18.

Nguyền tôi ngủ lúc một giờ đi em.

Mặt trời mọc trên dải đất hình cầu, màu vàng tối tăm lớp gạch cũ kỹ.

Có máu em chăng.

Những vệt lổ loang.

Làm sao khi thể xác cũng trở nên héo tàn...
 
19. VỀ DORAEMON MOVIE 43: NOBITA VÀ BẢN GIAO HƯỞNG ĐỊA CẦU

1. Các nhân vật robot có trong movie đều lấy nguyên mẫu từ người thật. Bentho là Beethoven, Wakner là Wagner, Mortzel là Mozart, Bachi là Bach, và Takiren là Taki.

GKaU1FIbUAAcEFX

Từ trái sang phải: Mortzel (dưới) - Takiren (trên) - Bentho (dưới) - Bachi (trên) - Wakner (dưới)
Nguồn: ume_1492voyage trên X​

2. Nói về Bentho/Maestro Ventor trước, kiểu tóc của ông ấy rất Beethoven, và gương mặt cũng được khắc hoạ rất sát từ nguyên mẫu. Bentho là người đã để em sinh đôi của Micca ngủ đông cùng Chapeck, sau đó chết bên cạnh cây dương cầm. Lúc ấy, ông vẫn ngậm một cành cây trong miệng. Beethoven đã bị điếc vào những năm cuối đời, ông tiếp tục sáng tác bằng cách ngậm một cành cây tựa vào đàn và cảm nhận rung động của âm thanh trên ấy.

AKI.jpg


800px-Beethoven.jpg

Ludwig van Beethoven

3. Khi được cứu sống, Bentho đã nói, ta nhìn thấy rồi, nhưng tại sao..., có lẽ là ông ấy đang tự hỏi tại sao “mình” không nghe được. Dù vậy, Bentho trong movie sau khi được sửa tai đã nghe mọi người nói chuyện bình thường.

4. Mortzel rất tôn trọng Bachi và để ý đến từng sự thay đổi của Bachi. Mortzel gọi Bachi là “giáo sư” trong suốt movie. Ngoài đời thì, âm nhạc của Bach con ảnh hưởng đến Mozart rất nhiều. Bach con nổi tiếng hơn cha mình vào thời kỳ ấy.

5. Bach cha là Johann Sebastian Bach, Bach con là Carl Philipp Emanuel Bach - người con thứ hai. Tôi không tìm hiểu nhiều về Bach nên chỉ biết bấy nhiêu.

800px-Johann_Sebastian_Bach.png

Johann Sebastian Bach

Bach_Carl_Philipp_Emanuel_1.jpg

Carl Philipp Emanuel Bach

6. Đoạn Mortzel bảo “giáo sư, tại sao mình không câu được cá, à, nước có chảy đâu mà câu” làm tôi buồn cười. Sau khi nhóm Nobita đến, Bachi đã nhét luôn lưỡi câu vào mồm rồi mới nhả ra.

7. Mortzel giống như “một người trẻ” khi nói về âm nhạc, đầy nhiệt thành và năng động. Cách chuyển động của ông ấy cũng giống hệt một nhạc trưởng. Ông ấy hướng dẫn mấy đứa trẻ chơi nhạc, như thể ông ấy chơi được tất cả nhạc cụ.

800px-Wolfgang-amadeus-mozart_1.jpg

Wolfgang Amadeus Mozart

8. Ngoài đời, Mozart làm nhạc cổ điển phong cách baroque và Bach con được cho là cha đẻ của dòng ấy. Thái độ tôn trọng mà Mortzel dành cho Bachi là tham khảo từ điều này.

9. Khi Hirano Riana - người lồng tiếng cho Micca cất giọng hát, tôi có cảm giác như mình đang xem lại movie Nobita và binh đoàn người sắt. Đó là một giọng hát thuần khiết, tinh khôi. Vẻ mặt của Nobita khi ấy hoàn toàn là vẻ mặt của tôi.

10. Tiếng sáo của Nobita hoàn toàn lạc quẻ với mọi người cho đến đoạn hoà âm cuối cùng, và điều ấy đúng. Nobita thổi sáo dở tệ. Ở đoạn hoà âm cuối, tiếng sáo bớt chói và hoàn toàn hoà vào dàn nhạc, nghĩa là Nobita đã tiến bộ rất nhiều. Dù vậy, Nobita không thể đạt đến bốn nốt nhạc, vì sự thật là cậu không làm tới mức đó được.

11. Thật ra Nobita từ hạng nhập môn một nốt nhạc lên hai nốt không phải là vì cậu chơi khá hơn, mà là cậu đã có tình cảm với nhạc cụ của bản thân. Người nghệ sĩ và dụng cụ của mình luôn có một mối quan hệ rất lạ.

12. Suneo kéo violin rất giỏi, và có vẻ cậu là người có cảm âm tốt. Cậu nhớ được bản nhạc của diva Mina khi nghe đến lần thứ hai. Dù vậy thì Nobita có khả năng ghi nhớ tốt hơn khi cậu có thể ngâm nga theo điệu nhạc của Micca chỉ sau một lần nghe cô bé hát.

13. Khi Nobita bị lạc mất, người đầu tiên hỏi cậu đang ở đâu sẽ luôn là Shizuka. Khi Doraemon gặp vấn đề, người đầu tiên luôn đỡ lấy cậu sẽ luôn là Nobita. Và khi Nobita gặp áp lực, người trông chừng và ở bên cậu, chứng kiến cậu vượt lên sẽ luôn là Doraemon.

14. Ngoài ra, Jaian luôn đi trước trong mọi nguy hiểm. Và Suneo sẽ luôn “nhớ mẹ” trước khi bị bạn mình kéo vào những nguy hiểm ấy. Suneo là người duy nhất có thể khịa Jaian nhiều lần mà vẫn toàn mạng, dù thỉnh thoảng thằng bé bị đấm văng lên cao. Jaian cũng luôn “phải vậy không Suneo” khi đưa ra quyết định. Mặc dù thằng bé hoàn toàn tự quyết, nhưng cái cách nó luôn hỏi Suneo làm tôi buồn cười.

15. Với tôi, khung cảnh ngoạn mục nhất trong movie là khi người em của Micca tìm được bạn đời. Họ sinh con, dạy nhạc cho hậu duệ của họ. Rồi âm nhạc lớn dần, người ta chơi nhạc từ thời nguyên thủy đến tận sau này. Kể từ ấy, những Mozart, những Bach, những Beethoven hiện ra.

16. Wagner là nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng, đạo diễn kịch và nhà lý luận âm nhạc nổi tiếng bởi các tác phẩm opera. Vì Wagner hát opera nên Wakner - nhân vật dựa trên ông, hát suốt cả movie năm nay.

WgU.jpg


800px-RichardWagner.jpg

Richard Wagner

17. Wagner cũng nổi tiếng với việc khó tính, nghiêm ngặt, và là... một trong những nhà soạn nhạc yêu thích của Adolf Hitler. Khi thấy Jaian và Suneo “không hiểu tí gì về nhạc lý”, Wakner muốn xiên luôn hai đứa trẻ. Ông bài trừ sự không hoàn hảo một cách cực đoan, nếu không muốn nói là, bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của Đức Quốc Xã.

18. Takiren, có thể nguyên mẫu là Taki Rentaro luôn khóc suốt phim và là một “người canh mộ”. Ông ấy sống ở nghĩa trang. Điều này có thể là vì Taki đã chết khi còn rất trẻ, hai ba tuổi, do bệnh lao phổi.

Taki_Rentaro.jpg

Rentarō Taki

19. Nhắc đến bệnh lao phổi, toàn bộ người dân của hành tinh Musica đã chết do bị Noise xâm chiếm. Bỏ qua việc Noise làm mất đi âm thanh, thì triệu chứng mà Noise gây ra cho người nhiễm cũng liên quan đến hô hấp.

20. Tôi không biết nhiều về Taki nên sẽ dừng ở đây. Do không đọc sub kịp nên tôi không chắc Takiren chính là Taki. Dù vậy, có hình ảnh một người mặc kimono ở cuối movie bên cạnh cây dương cầm, mà Taki cũng là một nghệ sĩ dương cầm.

21. Diva Mina đã đeo một mặt dây chuyền có hình chim thiên nga. Việc cô ấy là hậu duệ của người Musica đã được thể hiện rất rõ từ màu tóc cô ấy.

olc.jpg

22. Tôi thích việc khi Mortzel nhìn thấy Micca sau chừng ấy thời gian, đôi mắt ông đầy xúc động, vì tiểu thư Micca năm ấy đã lớn lên nhiều. Tôi cũng thích việc Mortzel hoàn toàn phấn khích khi thấy âm nhạc. Ông ấy nhảy nhót trên đôi chân, xoay vòng, kính cẩn, và trân trọng, với farre của ông ấy.

23. Movie này có những chi tiết ẩn khá khó hiểu với một đứa trẻ. Với một đứa trẻ thì việc Doraemon tấu hài cũng khá đủ cho hai tiếng? Doraemon năm nay gánh vibe hài hước. Tôi thích đoạn cho dù tắt tiếng, thằng nhóc vẫn cố thuyết minh về Nước hoa ký ức.

24. Nobita biết ngay đó là bảo bối gì. Nobita luôn biết nên dùng bảo bối gì, kể cả khi cậu bé không chú ý đến điều đó. Trong một tập truyện dài, Nobita đã nhắc đến các món bảo bối làm ấm người, nhờ đó cứu cả bọn thoát khỏi cảnh bị đông cứng.

25. Tôi thích việc Nobita luôn miệng nói “không có hứng thú” nhưng nửa đêm lại lôi sáo ra tập. Thằng bé có một niềm quyết tâm điên rồ, và sự sẵn sàng tiến về phía trước của nó làm tôi ngưỡng mộ.

26. Vì một lý do gì đó mà Máy thay đổi không thời gian đã cứu cả bọn. Nó đã hoán đổi vũ trụ - một nơi rất lớn, với phòng tắm nhà Nobita - một nơi có tiếng vang. Thật tuyệt vời khi trong vũ trụ to lớn ấy, mấy đứa nhỏ vẫn nghe được tiếng vọng.

27. Việc không nghe thấy gì là một điều rất đáng sợ. Việc không còn âm nhạc thật ra cũng đáng sợ hơn movie rất nhiều. Âm nhạc xuất phát từ âm thanh, và tôi vẫn mong rằng trước khi chính truyện bắt đầu thì mấy đứa trẻ sẽ nói với nhau bằng cái giọng đều đều, không có cao độ hay trường độ. Nếu mấy đứa trẻ dùng tiếng Việt thì việc mất luôn các dấu thanh sẽ vui phết.

28. Suneo ở mỗi movie có một bộ đồ riêng. Thằng bé rất được đầu tư áo quần. Là những bộ có style rất chất. Nhìn vào Suneo sẽ thấy được cả cuộc đời của cậu bé. Cậu ấy là thiếu gia thế nào, lớn lên ra sao, được nuôi dạy kiểu gì. Tính cách và khả năng của Suneo được thể hiện rất rõ qua trang phục, ngôn ngữ, và chuyển động. Nguyên tắc STEAL, lmao.

29. Việc bản nhạc của nhóm năm truyền tín hiệu đến một con tàu khác của Musica làm tôi nhớ đến viên nang thời gian mà NASA gửi vào vũ trụ. Ngoài hình ảnh, lời chào từ nhiều ngôn ngữ, bên trong có cả bản ghi âm thanh của thiên nhiên. Đó chính là “bản giao hưởng địa cầu”.

30. Bentho đã chơi đoạn đầu của Ode to joy - Bản giao hưởng số 9 vào phần cuối phim. Đây là bản nhạc duy nhất tôi gọi tên được, và việc nhận ra Bentho là Beethoven đã khiến tôi xúc động rất nhiều. Tôi tự hỏi là có đoạn Moonlight Sonata nào được trích mà tôi chưa nhận ra hay không.


31. Trong bản giao hưởng cuối cùng ở phần cuối movie, có một đoạn rất ngắn từ Doraemon no Uta. Bản giao hưởng địa cầu lúc ấy, nghe như niềm tri ân đến chín mươi năm qua.

32. Bài theme song Time Paradox có nhắc đến "pocket" (túi) và "mirai" (tương lai). Con mèo nào có túi và đến từ tương lai nào?

[...]
 
Trạng thái
Chủ đề đang đóng.
Quay lại
Top